4/11/11

101 TRUYỆN THIỀN (TT)

* Câu chuyện thứ 11:

CÂU CHUYỆN NÀNG SHUNKAI

Người đẹp Shunkai còn có tên khác là Suzu đã bị ép buộc kết hôn trái với ý nguyện của nàng khi nàng còn quá trẻ. Sau đó, khi cuộc hôn nhân này đã chấm dứt, nàng theo học tại trường đại học, ở đó nàng học môn triết.

Nhìn thấy Shunkai là yêu nàng ngay. Hơn nữa, nàng đi đến đâu, chính nàng cũng lại phải lòng các người khác. Tình yêu đến với nàng ở trường đại học, và cả sau đó nữa, khi môn triết học không làm nàng hài lòng và nàng đến viếng một thiền viện để học về Thiền, các thiền sinh lại thương yêu nàng. Cả cuộc đời của Shunkai đắm chìm trong tình yêu.

Cuối cùng ở Kyoto nàng trở thành một thiền sinh thực sự. Các huynh đệ của nàng ở thiền viện phụ Kennin đều ca ngợi lòng thành thật của nàng. Một người trong số đó tỏ ra có tinh thần tương thân và giúp đỡ nàng thấu triệt được môn Thiền.

Viện trưởng của thiền viện Kennin, Mokurai, Tiếng Sấm Im Lặng, thì nghiêm khắc. Chính ngài tự giữ giới luật và đòi hỏi mọi tu sĩ của ngài cũng phải giữ như thế. Trong nước Nhật Bản hiện đại khi các tu sĩ này mất đi nhiệt tâm cho Phật giáo thì họ lại có nhiệt tình khi lấy vợ. Mokurai thường phải lấy một cây chổi và xua đuổi phụ nữ đi chỗ khác khi ngài thấy họ trong bất cứ thiền viện nào của ngài, nhưng ngài càng đuổi bao nhiêu bà vợ ra thì hình như lại càng có nhiều bà quay trở lại.

Trong thiền viện đặc biệt này bà vợ của ông tu sĩ trưởng tràng trở nên ghen tuông với lòng sốt sắng và sắc đẹp của Shunkai. Nghe các thiền sinh ca tụng môn Thiền đứng đắn của nàng khiến bà vợ này bực bội và bồn chồn. Sau cùng bà tung ra một tin đồn về Shunkai và người thanh niên, là bạn của nàng. Hậu quả là anh ta bị trục xuất và Shunkai bị chuyển ra khỏi thiền viện.

"Mình có thể phạm lầm lỗi vì tình yêu," Shunkai nghĩ, "nhưng bà vợ của ông tu sĩ cũng không nên được ở lại thiền viện khi bạn của ta bị đối xử một cách bất công như thế."

Shunkai ngay đêm đó với một bình dầu lửa đã phóng hỏa vào ngôi thiền viện cổ xưa có từ năm trăm năm nay và đốt nó cháy rụi hết. Vào buổi sáng nàng bị cảnh sát bắt giữ rồi.

Một ông luật sư trẻ tuổi chú ý đến nàng và cố gắng giúp làm cho án phạt của nàng nhẹ hơn. "Ðừng nên giúp tôi," nàng nói với ông ấy. "Tôi có thể quyết định sẽ làm chuyện gì khác để rồi lại bị bỏ tù nữa thôi."

Cuối cùng hình phạt bảy năm tù cũng mãn hạn, và Shunkai được phóng thích khỏi nhà tù, nơi đó ông cai ngục sáu chục tuổi đầu cũng say mê nàng.

Nhưng giờ đây mọi người đều coi nàng như một "con mọt tù." Không ai muốn liên hệ với nàng. Ngay cả các người theo Thiền, những người vốn tin tưởng vào sự giác ngộ giải thoát trong đời này và với tấm thân này, cũng xa lánh nàng. Shunkai khám phá thấy rằng Thiền là một việc và những kẻ theo Thiền lại là một việc hoàn toàn khác biệt. Những thân nhân của nàng cũng tránh xa nàng. Nàng mắc bệnh, nghèo nàn, và yếu đuối.

Nàng gặp một tu sĩ phái Shinshu ông ta dạy nàng danh hiệu Ðức Quán Thế Âm, nhờ vậy Shunkai tìm được niềm an ủi và thanh thản trong tâm hồn. Nàng qua đời khi còn rất xinh đẹp và gần ba mươi tuổi đầu.

Nàng đã cố gắng viết lại câu chuyện riêng của nàng để kiếm sống cho chính nàng và một phần câu chuyện thời nàng kể lại cho một người phụ nữ viết. Bởi thế câu chuyện đã tới tai dân chúng Nhật Bản. Những kẻ đã từng từ bỏ Shunkai, những kẻ đã từng vu cáo và ghét bỏ nàng, nay đọc chuyện về đời nàng trong nước mắt hối hận.


----------------------------------------


* Câu chuyện thứ 12


ÔNG TÀU SUNG SƯỚNG

Bất cứ ai đi quanh các phố Tàu ở Mỹ cũng đều nhận thấy những pho tượng của một ông mập mạp vác một cái bị bằng vải. Những người buôn bán Trung Hoa gọi ông ta là Ông Tàu Sung Sướng hay Ông Phật Cười.

Ông Hotei này sống ở đời nhà Ðường. Ông chẳng có lòng ham muốn tự gọi mình là một thiền sư hoặc thâu nạp nhiều đệ tử quanh ông. Thay vào đó ông đi khắp phố phường với một cái bị lớn trong đó ông đựng các món quà như kẹo, trái cây, hay bánh. Những thứ này ông sẽ mang phân phát cho những đứa trẻ con hay quây quần quanh ông chơi đùa. Ông đã tạo lập một vườn trẻ ngoài đường phố.

Mỗi khi ông gặp một người tôn sùng đạo Thiền ông liền chìa tay của ông ra và nói: "Cho tôi xin một xu." Và nếu có ai đó yêu cầu ông trở về một thiền viện để dạy dỗ người khác, ông lại trả lời là: "Cho tôi xin một xu."

Một lần ông đang làm cái công việc chơi đùa, có một thiền sư khác tình cờ đi ngang và hỏi: "Thế nào là ý nghĩa của Thiền?"

Hotei lập tức buông rơi cái bị của ông xuống đất để trả lời một cách yên lặng.

"Vậy thì," thiền sư kia hỏi, "cái thực dụng của Thiền là gì?"

Tức khắc Ông Tàu Sung Sướng quăng cái bị lên vai ông và tiếp tục con đường của mình.

20/10/11

Thiền điện thoại

"Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau" hoặc "Trước khi nói hãy uốn lưỡi 7 lần"... và còn rất nhiều câu châm ngôn, ca dao tục ngữ khác đề cập đến việc thể hiện lời ăn tiếng nói của mọi người trong cuộc sống.

Nói để làm thế nào mà người đối diện với mình cảm thấy vui, thoải mái, có cảm tình với chúng ta là điều không dễ, nhất là qua điện thoại. Chỉ cần ngày hôm đó chúng ta gặp chuyện không vui hoặc đang bực mình vì một chuyện gì đó thì điều đó sẽ lập tức thể hiện qua cách nói chuyện của chúng ta với người khác.

Chia sẽ với mọi người bài viết dưới đây để giúp chúng ta có được sự tỉnh tâm, quân bình và cả sự tươi vui khi nói chuyện với người đối diện, đặc biệt là qua điện thoại.

Bài này được trích trong trang web làng mai của Thiền sư Thích Nhất Hạnh.

----------------------------------- 

THIỀN ĐIỆN THOẠI

Đừng xem thường lời nói của chúng ta, những lời nói chánh ngữ có ảnh hưởng rất lớn, có khả năng xây dựng nên sự hiểu biết và thương yêu. Lời nói có thể đẹp như châu ngọc, đáng yêu như hoa, và có thể đem lại hạnh phúc cho rất nhiều người. Nhưng thông thường, khi nói chuyện qua điện thoại, chúng ta quá bận rộn, làm chuyện này đến chuyện khác mà không để ý đến lời nói của mình.

Điện thoại là một phương tiện truyền thông rất tiện lợi, đặc biệt là điện thoại di động, càng tiện lợi hơn nhiều. Có thể giúp ta tiết kiệm thời gian đi lại và phí tổn. Nhưng điện thoại cũng khống chế chúng ta. Nếu điện thoại cứ reo liên tục, chúng ta cũng mệt mỏi và không làm được gì cả. Nếu chúng ta nói chuyện điện thoại không có ý thức, chúng ta sẽ lãng phí nhiều tiền bạc và thời gian quý báu. Thông thường chúng ta hay nói những điều không cần thiết, trong khi chung quanh chúng ta có rất nhiều niềm vui xảy ra trong giây phút hiện tại như có một em bé muốn nắm tay ta đi chơi, hay tiếng chim hót, hay ánh nắng mặt trời đang tỏa chiếu khắp nơi.

Khi chuông điện thoại reo, tiếng chuông tạo ra trong ta một xung động, có thể đó là sự lo lắng, như: ‘Ai gọi vậy? Tin tốt hay tin xấu đây?’ Rồi có một sức mạnh kéo chúng ta đi tới điện thoại. Chúng ta không thể kháng cự được. Và chúng ta có thể trở thành nạn nhân của chính cái điện thoại chúng ta.

Thực tập

Lần tới, khi điện thoại reo, chúng ta hãy ngồi yên tại chỗ và ý thức về hơi thở của mình: ‘Thở vào, tôi an tịnh toàn thân. Thở ra, tôi mỉm cười.’ Khi điện thoại reo lần thứ hai, ta cũng thở như thế. Điện thoại reo lần thứ ba, ta cũng tiếp tục thực tập hơi thở, sau đó ta mới nhấc điện thoại lên. Hãy luôn nhớ rằng, ta có thể làm chủ chính mình, an trú trong chánh niệm và đi như Bụt đi. Khi nhấc điện thoại lên, chúng ta mỉm cười, mỉm cười không chỉ cho riêng ta mà còn cho cả người kia nữa. Nếu chúng ta cáu kỉnh hoặc nổi giận, thì người kia sẽ nhận được nguồn năng lượng tiêu cực đó. Nhưng nếu chúng ta mỉm cười thì người kia sẽ may mắn nhận được nguồn năng lượng tươi mát của ta.

Trước khi gọi điện cho ai, hãy thở vào, thở ra hai lần và đọc thầm bài thi kệ:

Tiếng đi ngoài ngàn dặm
Xây dựng niềm tin yêu
Mỗi lời là châu ngọc
Mỗi lời là gấm thêu.

Rồi nhấc điện thoại lên và bấm số. Khi chuông điện thoại reo, có thể người bạn của ta cũng đang thở, mỉm cười và sẽ không nhấc điện thoại lên ngay cho đến tiếng chuông thứ ba. Hãy tiếp tục thực tập: ‘Thở vào, tôi an tịnh toàn thân. Thở ra, tôi mỉm cười.’ Cả hai, mình và người bạn bên kia đầu dây đều đang thở và mỉm cười. Thật đẹp! Mình không cần phải đi vào thiền đường mới thực tập điều mầu nhiệm này. Nó có sẵn trong nhà hay trong văn phòng của ta. Thực tập thiền điện thoại có thể giúp ta trung hòa những căng thẳng hay trầm cảm trong ta và ta có thể mang Bụt vào đời sống hàng ngày của mình.


19/10/11

Danh ngôn cuộc sống

Mỗi danh ngôn mà bạn và tôi hay đọc có thể sẽ đem đến cho chúng ta những suy nghĩ khác nhau về mọi thứ mà danh ngôn ấy hàm chứa. Những danh ngôn ấy có thể rất đơn giản nhưng chúng ta nếu biết cách vận dụng vào đời sống, biết đâu bạn và tôi sẽ đạt được được nhiều hơn điều mình mong đợi. 

Chia sẽ với mọi người những danh ngôn và cả những suy ngẫm minh họa mà tôi sưu tầm được. Hy vọng qua đó chúng ta có thể rút ra cho mình một suy nghĩ riêng để áp dụng cho cuộc sống của mình.

------------------------
* “Đừng quá rụt rè hoặc câu nệ về những hành động của bạn. Cuộc đời chỉ là trường thử nghiệm không hơn không kém.” — Ralph Waldo Emerson

 ---> Suy ngẫm: Mỗi ngày là một cơ hội cho bạn. Cơ hội đó không nhất thiết phải to lớn và hào nhoáng. Chỉ cần bạn cảm thấy hài lòng về bản thân mình là được. Nếu cảm thấy nghi ngờ về những khả năng của mình, bạn hãy tự hỏi vì sao lại chần chừ khi mà mỗi ngày là một cơ hội và ngày mai là một cơ hội khác?


* “Sắt thép bị gỉ sét vì không được dùng đến; ao nước tù mất đi sự tinh khiết và bị đóng băng khi khí trời trở lạnh; cũng thế, tình trạng mụ mị sẽ đến với một trí tuệ lười biếng.” — Leonardo da Vinci

 ---> Suy ngẫm: Khi đối mặt với các trở ngại, hãy sáng tạo. Đừng chỉ ngồi đó và nhìn ước mơ dần trôi tuột đi. Đừng để sự chán nản hiện diện trên con đường đến thành công và hạnh phúc của bạn. Hãy bắt tay hành động với việc khiến bạn hứng thú và tập trung.


* “Lỗi lầm lớn nhất trong tất cả các loại lỗi lầm là không làm gì cả vì bạn chỉ có thể làm được chút ít. Hãy làm những gì bạn có thể làm.” — Sydney Smith

---> Suy ngẫm: Đã bao lần bạn từ bỏ một mục tiêu vì bạn nghĩ: mình sẽ không có được nó? Đã bao lần bạn sợ làm điều gì đó vì e ngại mình có thể không làm nên chuyện? Đã bao lần bạn chưa đánh đã vội đầu hàng? Chỉ một thay đổi nhỏ, chỉ một nỗ lực nhỏ cũng đủ để đưa đến những điều vĩ đại. Thành công bao gồm nhiều bước nhỏ hợp thành, không phải là “một bước lên trời”. Hãy làm bất cứ điều gì bạn có thể để đẩy con thuyền mơ ước của bạn đi xa hơn và sớm cập bến bờ.


* “Mỗi người đều có cho riêng mình một năng khiếu. Thiên tài chỉ là cách nói.” — Ralph Waldo Emerson

 --> Suy ngẫm: Tài năng đích thực của bạn là gì và bạn có trân trọng nó? Nhiều người trong chúng ta thường lấy người khác ra làm tham chiếu mà quên đi chính khả năng của bản thân. Hãy thôi việc làm này và sử dụng khả năng của chính mình. Cho dù đó là vẽ vời, ca hát, nấu nướng, hay viết lách, cuộc sống của mỗi người sẽ trở nên phong phú hơn khi họ trân trọng những gì thuộc về mình.


* “Hãy loại bỏ từ ‘không thể’” — Samuel Johnson

--> Suy ngẫm: Khi chúng ta nói không thể, hàm ý rằng chúng ta không muốn làm điều đó. Việc nói không thể là hành động cho phép bản thân chấp nhận thất bại. Thay vì dùng từ “không thể” như một cách tránh cố gắng, hãy tập trung vào những gì bạn có thể làm để đạt được mục đích.


* “Tôi nhận thấy điều vĩ đại trong thế giới này không có nhiều ở nơi chúng ta đứng. Chúng ta phải biết giong buồm khi thuận chiều gió và đôi khi bị ngược gió, nhưng chúng ta vẫn tiến lên, không để trôi vật vờ hoặc thả neo” — Oliver Wendell Holmes

--> Suy ngẫm: Đừng chờ đợi những điều kỳ diệu xảy đến cho bạn. Thay vào đó, hãy tập thói quen tạo nên những điều kỳ diệu ấy. Đừng để hạnh phúc của bạn trôi đi hờ hững. Hãy lưu ý hướng đi của cuộc đời bạn ở tất cả mọi thời điểm, bảo đảm rằng bạn nắm vai trò chủ động và lèo lái có chủ hướng đến hạnh phúc của bản thân.


* “Ý nghĩ là niềm hy vọng; ngôn ngữ là nụ; hành động là quả” — Ralph Waldo Emerson 

--> Suy ngẫm: Hãy tập thói quen tái khẳng định những hoài bão của bạn mỗi ngày - bằng cách liên tục nhắc nhở nó trong suy nghĩ. Điều này không chỉ giữ cho bạn tập trung vào các mục tiêu mà còn thúc đẩy bạn hành động để biến nó thành hiện thực, đặc biệt khi những trù liệu không diễn ra đúng như kế hoạch. Nhiều người không dám nói lên ước vọng của họ, cứ như thể là họ sợ sẽ bị ngáng đường nếu dám mong muốn nhiều hơn cho bản thân. Đừng lừa dối bản thân như vậy. Hãy dũng cảm và có thể cần chút chai lì khi nói ra ước mơ của mình. 

10/10/11

101 TRUYỆN THIỀN (TT)

* Câu chuyện thứ 9:

MẶT TRĂNG KHÔNG THỂ BỊ ĂN CẮP

Ryokan, một thiền sư, sống cuộc đời đơn giản nhất trong một thảo am nhỏ bé ở dưới chân một ngọn núi. Một đêm có một tên trộm đến viếng thảo am nhưng chỉ thấy rằng chẳng có gì trong đó để lấy trộm cả.

Ryokan trở về và bắt gặp hắn. "Có lẽ anh phải đi khá xa để đến thăm ta," ngài nói với kẻ rình mò, "và anh chẳng nên quay về với tay không. Hãy lấy bộ quần áo của ta mà làm quà."

Tên trộm chưng hửng. Hắn lấy bộ quần áo và chuồn đi ngay.

Ryokan ngồi trần truồng, ngắm mặt trăng. "Anh bạn đáng thương," ngài trầm ngâm, "Ta ước gì ta có thể tặng cho anh ấy mặt trăng đẹp đẽ này."

---------------------------------------------
* Câu chuyện thứ 10:

BÀI THƠ CUỐI CÙNG CỦA HOSHIN

Thiền sư Hoshin sống ở Trung Hoa nhiều năm. Rồi ngài quay về vùng đông bắc nước Nhật Bản, ở đó ngài dạy các đệ tử của ngài. Khi ngài quá già, ngài kể cho họ một câu chuyện mà ngài đã nghe được ở Trung Hoa. Ðây là câu chuyện:

Một năm vào ngày hai muơi lăm tháng chạp, Tokufu, đã rất già, nói với đệ tử của ngài: "Ta không sống nổi được đến sang năm vậy các con hãy chăm sóc ta cho chu đáo trong năm nay."

Các đệ tử nghĩ rằng ngài nói đùa, nhưng vì ngài là vị thầy có tấm lòng cao cả cho nên mỗi người trong nhóm đệ tử thay phiên nhau đãi tiệc ngài trong những ngày kế tiếp của năm sắp tàn.

Vào đêm giao thừa, Tokufu sau chót nói: "Các con đã tử tế với ta. Ta sẽ xa các con vào chiều mai khi tuyết ngừng rơi."

Các đệ tử đều cười, nghĩ rằng ngài đã có tuổi và ăn nói lẩm cẩm bởi vì đêm thì quang đãng và không có tuyết. Nhưng vào nửa đêm tuyết bắt đầu rơi, và đến ngày hôm sau thì họ chẳng thấy ông thầy họ đâu nữa. Họ đi đến thiền đường. Ngài đã qua đời nơi đó.

Hoshin, người kể câu chuyện này, nói với các đệ tử của ngài: "Một thiền sư đoán trước ngày mình viên tịch cũng không phải là một điều cần thiết chi, nhưng nếu vị ấy thực sự muốn làm như vậy, vị ấy có thể làm được."

"Thầy có làm được không ạ?" một đệ tử hỏi.

"Ðược chứ," Hoshin trả lời. "Ta sẽ cho các con biết ta có thể làm được những gì sau bảy ngày nữa tính từ hôm nay."

Chẳng có một đệ tử nào tin ngài hết, và hầu như đa số trong bọn họ cũng đã quên câu chuyện rồi cho đến lần sau khi Hoshin cho gọi họ tụ họp lại.

"Bảy ngày trước đây," ngài nhắc lại, "Ta nói ta sẽ xa lìa các con. Theo lệ thường thì nên viết một bài thơ từ biệt, nhưng ta chẳng phải là thi sĩ cũng không là người viết thư họa. Vậy một người trong các con hãy ghi lại những lời cuối cùng của ta."

Các môn đồ của ngài tưởng ngài nói đùa, nhưng một người trong bọn họ đã sửa soạn để viết.

"Con sẵn sàng chưa?" Hoshin hỏi.

"Thưa thầy rồi ạ" người viết đáp lời.

Rồi Hoshin đọc:

Ta đến từ tánh sáng
Và về với tánh sáng.
Ðây là cái gì vậy?

Bài thơ thiếu một dòng nữa để trở thành một bài tứ tuyệt thường làm, vì vậy người đệ tử nói: "Kính thầy, chúng ta thiếu một câu."

Hoshin, với tiếng gầm của một con sư tử chiến thắng, la lớn lên: "Kaa!" rồi ra đi.