* Câu chuyện thứ 11:
CÂU CHUYỆN NÀNG SHUNKAI
Người đẹp Shunkai còn có tên khác là Suzu đã bị ép buộc kết hôn trái với ý nguyện của nàng khi nàng còn quá trẻ. Sau đó, khi cuộc hôn nhân này đã chấm dứt, nàng theo học tại trường đại học, ở đó nàng học môn triết.
Nhìn thấy Shunkai là yêu nàng ngay. Hơn nữa, nàng đi đến đâu, chính nàng cũng lại phải lòng các người khác. Tình yêu đến với nàng ở trường đại học, và cả sau đó nữa, khi môn triết học không làm nàng hài lòng và nàng đến viếng một thiền viện để học về Thiền, các thiền sinh lại thương yêu nàng. Cả cuộc đời của Shunkai đắm chìm trong tình yêu.
Cuối cùng ở Kyoto nàng trở thành một thiền sinh thực sự. Các huynh đệ của nàng ở thiền viện phụ Kennin đều ca ngợi lòng thành thật của nàng. Một người trong số đó tỏ ra có tinh thần tương thân và giúp đỡ nàng thấu triệt được môn Thiền.
Viện trưởng của thiền viện Kennin, Mokurai, Tiếng Sấm Im Lặng, thì nghiêm khắc. Chính ngài tự giữ giới luật và đòi hỏi mọi tu sĩ của ngài cũng phải giữ như thế. Trong nước Nhật Bản hiện đại khi các tu sĩ này mất đi nhiệt tâm cho Phật giáo thì họ lại có nhiệt tình khi lấy vợ. Mokurai thường phải lấy một cây chổi và xua đuổi phụ nữ đi chỗ khác khi ngài thấy họ trong bất cứ thiền viện nào của ngài, nhưng ngài càng đuổi bao nhiêu bà vợ ra thì hình như lại càng có nhiều bà quay trở lại.
Trong thiền viện đặc biệt này bà vợ của ông tu sĩ trưởng tràng trở nên ghen tuông với lòng sốt sắng và sắc đẹp của Shunkai. Nghe các thiền sinh ca tụng môn Thiền đứng đắn của nàng khiến bà vợ này bực bội và bồn chồn. Sau cùng bà tung ra một tin đồn về Shunkai và người thanh niên, là bạn của nàng. Hậu quả là anh ta bị trục xuất và Shunkai bị chuyển ra khỏi thiền viện.
"Mình có thể phạm lầm lỗi vì tình yêu," Shunkai nghĩ, "nhưng bà vợ của ông tu sĩ cũng không nên được ở lại thiền viện khi bạn của ta bị đối xử một cách bất công như thế."
Shunkai ngay đêm đó với một bình dầu lửa đã phóng hỏa vào ngôi thiền viện cổ xưa có từ năm trăm năm nay và đốt nó cháy rụi hết. Vào buổi sáng nàng bị cảnh sát bắt giữ rồi.
Một ông luật sư trẻ tuổi chú ý đến nàng và cố gắng giúp làm cho án phạt của nàng nhẹ hơn. "Ðừng nên giúp tôi," nàng nói với ông ấy. "Tôi có thể quyết định sẽ làm chuyện gì khác để rồi lại bị bỏ tù nữa thôi."
Cuối cùng hình phạt bảy năm tù cũng mãn hạn, và Shunkai được phóng thích khỏi nhà tù, nơi đó ông cai ngục sáu chục tuổi đầu cũng say mê nàng.
Nhưng giờ đây mọi người đều coi nàng như một "con mọt tù." Không ai muốn liên hệ với nàng. Ngay cả các người theo Thiền, những người vốn tin tưởng vào sự giác ngộ giải thoát trong đời này và với tấm thân này, cũng xa lánh nàng. Shunkai khám phá thấy rằng Thiền là một việc và những kẻ theo Thiền lại là một việc hoàn toàn khác biệt. Những thân nhân của nàng cũng tránh xa nàng. Nàng mắc bệnh, nghèo nàn, và yếu đuối.
Nàng gặp một tu sĩ phái Shinshu ông ta dạy nàng danh hiệu Ðức Quán Thế Âm, nhờ vậy Shunkai tìm được niềm an ủi và thanh thản trong tâm hồn. Nàng qua đời khi còn rất xinh đẹp và gần ba mươi tuổi đầu.
----------------------------------------
* Câu chuyện thứ 12
ÔNG TÀU SUNG SƯỚNG
Bất cứ ai đi quanh các phố Tàu ở Mỹ cũng đều nhận thấy những pho tượng của một ông mập mạp vác một cái bị bằng vải. Những người buôn bán Trung Hoa gọi ông ta là Ông Tàu Sung Sướng hay Ông Phật Cười.
Ông Hotei này sống ở đời nhà Ðường. Ông chẳng có lòng ham muốn tự gọi mình là một thiền sư hoặc thâu nạp nhiều đệ tử quanh ông. Thay vào đó ông đi khắp phố phường với một cái bị lớn trong đó ông đựng các món quà như kẹo, trái cây, hay bánh. Những thứ này ông sẽ mang phân phát cho những đứa trẻ con hay quây quần quanh ông chơi đùa. Ông đã tạo lập một vườn trẻ ngoài đường phố.
Mỗi khi ông gặp một người tôn sùng đạo Thiền ông liền chìa tay của ông ra và nói: "Cho tôi xin một xu." Và nếu có ai đó yêu cầu ông trở về một thiền viện để dạy dỗ người khác, ông lại trả lời là: "Cho tôi xin một xu."
Một lần ông đang làm cái công việc chơi đùa, có một thiền sư khác tình cờ đi ngang và hỏi: "Thế nào là ý nghĩa của Thiền?"
Hotei lập tức buông rơi cái bị của ông xuống đất để trả lời một cách yên lặng.
"Vậy thì," thiền sư kia hỏi, "cái thực dụng của Thiền là gì?"